Lịch khám thai định kỳ chuẩn của bộ y tế | Khi nào nên khám thai?
Ngày đăng: 30.09.2022
Lịch khám thai định kỳ sẽ giúp mẹ bầu theo dõi sức khỏe của mình và của em bé, từ đó có thể xử lý kịp thời những vấn đề bất thường xảy ra. Bên cạnh đó thông qua khám thai, mẹ bầu cũng được các bác sĩ dặn dò biện pháp chăm sóc sức khỏe để thai kỳ luôn khỏe mạnh, và việc sinh con được thuận lợi. Vậy lịch khám thai của mẹ bầu cụ thể thế nào? Chúng ta hãy cùng theo dõi lịch khám thai định kỳ chuẩn của Bộ y tế qua bài viết sau!
Tầm quan trọng của việc khám thai định kỳ
Khám thai là một hành động vô cùng quan trọng, nhưng liệu mẹ bầu có biết được ý nghĩa và tầm quan trọng của khám thai định kỳ? Theo các chuyên gia, khám thai là hoạt động dành riêng cho các mẹ bầu để thăm khám sức khỏe với những chuyên gia y tế trong suốt thời kỳ mang thai. Việc thăm khám này dựa trên một lịch khám bầu cụ thể. Những lợi ích của nó bao gồm:
- Bám sát lịch đi siêu âm thai và khám định kỳ sẽ giúp mẹ bầu xác định được rõ ràng thai nhi có đang được phát triển toàn diện hay không, và chế độ dinh dưỡng của mình đã khoa học, hợp lý hay chưa.
- Khám thai định kỳ sẽ giúp các chuyên gia y tế phát hiện được những nguy cơ có thể tiềm ẩn, gây ảnh hưởng không tốt tới thai nhi. Nếu thai nhi mắc phải dị tật bẩm sinh thì việc thăm khám cũng giúp các chuyên gia phát hiện và xử lý kịp thời. Điều này giúp ngăn chặn những gì bất lợi có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe của hai mẹ con.
- Thông qua thăm khám định kỳ, bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho mẹ bầu chế độ dinh dưỡng cần thiết mỗi ngày. Qua đó mẹ bầu biết được thực phẩm nào nên ăn, thực phẩm nào cần tránh, chế độ nghỉ ngơi hoặc làm việc ra sao cho hợp lý. Chỉ khi sức khỏe của mẹ bầu được đảm bảo thì thai nhi trong bụng mới có thể phát triển thuận lợi qua từng giai đoạn.
Nhìn chung mỗi một lần thăm khám chỉ cho kết quả tương ứng trong khoảng thời gian đó. Đó là lý do mẹ bầu cần phải tái khám định kỳ theo lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa.
Lịch khám thai định kỳ
Nắm được lịch siêu âm thai định kỳ cho bà bầu sẽ giúp các mẹ mẹ có sự chuẩn bị tốt hơn. Tiếp sau đây chúng ta hãy cùng tham khảo lịch khám thai định kỳ chuẩn của Bộ Y tế cũng như lịch khám thai đề xuất của các phòng khám:
Lịch khám thai định kỳ chuẩn của Bộ Y tế
Theo Bộ y tế, thai phụ trong suốt thai kỳ cần đi khám thai ít nhất là 3 lần. Nếu người mẹ khám thai đầy đủ qua 3 giai đoạn và khám đủ 7 lần như lịch khám thai chuẩn của bộ y tế đã ban hành, thì được xem là khám thai đầy đủ. Cụ thể các mốc lịch siêu âm thai định kỳ như sau:
- Lần thứ nhất (6-8 tuần)
Trong lần khám này, người mẹ sẽ biết được thai nhi của mình đã về tới tử cung hay chưa, và có đang phát triển không. Đây là thời điểm mẹ bầu cần xét nghiệm máu để kiểm tra các vấn đề như tiểu đường, thai kỳ, tim sản, cao huyết áp…
Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả xét nghiệm để tư vấn về việc mẹ bầu có nên tiếp tục thai kỳ hay nên chấm dứt sớm. Nếu tiếp tục, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách bổ sung dinh dưỡng hợp lý.
- Lần thứ hai (11-14 tuần)
Đây là thời điểm siêu âm được tiến hành để tính ngày thụ thai chính xác, qua đó xác định ngày dự sinh. Mốc khám thai ở tuần thứ 12 được coi là rất quan trọng. Trong lần khám này, bác sĩ sẽ đo độ mờ da gáy để kiểm tra nếu có sự bất thường trong nhiễm sắc thể. Sự bất thường đó có thể dẫn tới tình trạng dị dạng chi, dị dạng tim, thoát vị cơ hoành hoặc hội chứng down….
- Lần thứ ba (16 tuần)
Trong lần khám thai ở tuần thứ 16, bác sĩ có thể cho mẹ bầu thực hiện vài xét nghiệm nếu cần thiết. Đây là thời điểm có thể chẩn đoán tương đối rõ ràng những dị tật hoặc dị dạng của thai nhi. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ bầu biện pháp chấm dứt thai kỳ sớm để không gây ảnh hưởng tới tương lai và tâm lý về sau.
- Lần thứ tư (22-23 tuần)
Một mốc quan trọng khác trong khám thai định kỳ chính là tuần thứ 22. Đây là thời điểm có thể tầm soát các loại dị tật khác nhau ở thai nhi. Siêu âm lúc này sẽ giúp các chuyên gia phát hiện những bất thường trong hình thái như hở hàm ếch, sứt môi, dị dạng ở nội tạng và các cơ quan…. Nếu không may phát hiện thai nhi có dị tật, bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ biện pháp can thiệp thích hợp.
- Lần thứ năm (26 tuần)
Siêu âm thai ở tuần thứ 26 sẽ giúp phát hiện những bất thường ở cả thai nhi và người mẹ, nếu có. Đây cũng là thời điểm cho mẹ bầu tiêm phòng uốn ván lần thứ 1. Với người đang mang thai lần 2, cách lần mang thai đầu chưa quá 5 năm thì cũng sẽ được tiêm phòng 1 mũi uốn ván.
- Lần thứ sáu (31-32 tuần)
Đây là thời điểm bác sĩ cho thai phụ siêu âm để kiểm tra những bất thường muộn xảy ra ở hình thái tại các cơ quan như động mạch, tim, não…. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra nếu có hiện tượng thai phát triển chậm trong tử cung. Thai phát triển chậm là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngạt sau sinh hoặc suy thai. Mũi tiêm phòng uốn ván lần hai cũng được tiêm cho mẹ bầu vào giai đoạn này.
- Lần thứ bảy (36 tuần)
Trong lần khám thai này, chuyển động của thai và tim thai sẽ được bác sĩ thực hiện đo. Bác sĩ cũng dự báo cân nặng lúc sinh của bé, có biện pháp tư vấn dinh dưỡng kịp thời nếu thấy trọng lượng thai nhi không đủ đạt chuẩn. Đây là thời điểm bác sĩ phải quyết định xem sẽ cho mẹ bầu sinh thường hay sinh mổ.
Sau lần khám thai này, bác sĩ có thể chỉ định thêm những lần khám thai khác nếu cần, cho tới khi mẹ bầu sinh con. Những lần khám về sau đa phần chỉ siêu âm, thử nước tiểu và khám thông thường.
Tham khảo lịch khám thai định kỳ của Bệnh viện Từ Dũ:
Lịch khám thai định kỳ phòng khám đề xuất
Lịch siêu âm định kỳ cho bà bầu ở các cơ sở y tế khác nhìn chung cũng giống với lịch khám thai chuẩn 7 bước của Bộ Y tế, mặc dù số bước có thể tăng lên. Bạn có thể tham khảo như sau:
- Khám thai lần đầu tiên: với thai nhi đạt từ 5 – 8 tuần tuổi
- Khám thai lần thứ 2: với thai nhi đạt từ 11 đến 13 tuần 6 ngày
- Khám thai lần thứ 3: với thai nhi đạt từ 16 đến 22 tuần
- Khám thai lần thứ 4: với thai nhi đạt từ 22 tuần đến 28 tuần
- Khám thai lần thứ 5: với thai nhi đạt từ 28 tuần đến 32 tuần
- Khám thai lần thứ 6: với thai nhi đạt từ 32 – 34 tuần tuổi
- Khám thai lần thứ 7: với thai nhi đạt từ 34 – 36 tuần tuổi
- Khám thai lần thứ 8, 9 và 10: với thai nhi từ 36 – 39 tuần tuổi
- Khám thai lần thứ 11: với thai nhi đạt từ sau 39 tuần tuổi.
Các giai đoạn khám thai định kỳ quan trọng
Bạn đã nắm được lịch khám thai định kỳ cho mẹ bầu, vậy trong lịch trình khám thai định kỳ đó, đâu là những mốc quan trọng nhất? Đó chính là ba giai đoạn khám thai sau:
Khám thai lần đầu
Mốc khám thai lần đầu có thể xem là một trong những mốc khám thai quan trọng nhất. Thường sẽ thực hiện sau khi chậm kinh khoảng 2 tuần – 3 tuần. Ở thời điểm này, các mẹ chỉ cần siêu âm chứ chưa cần thiết phải thực hiện các xét nghiệm khác. Nếu khi siêu âm mà thai nhi chưa về buồng thì sẽ tiến thành thực hiện thêm xét nghiệm máu HCG. Để đánh giá xem các mẹ đã có thai hay chưa?
Thời điểm khám thai lần đầu khá quan trọng, ngoài việc xác định xem các mẹ có thai hay chưa còn giúp xác định xem thai nhi đã về buồng chưa? Nếu thai nhi chưa về buồng thì có thể chẩn đoán là thai chửa ngoài tử cung. Và tính trạng thai chửa ngoài tử cung có thể ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ.
Mốc khám thai định kỳ ở tuần 12
Đây chính là thời điểm siêu âm đo độ mờ da gáy của thai được thực hiện. Bên cạnh đó người mẹ cũng cần kiểm tra Double test nhằm xác định xem thai nhi có mắc phải các căn bệnh liên quan đến nhiễm sắc thể hoặc hội chứng Down hay không.
Mốc khám thai định kỳ ở tuần 22
Ở tuần thứ 22 khi đi khám thai định kỳ, các chuyên gia sẽ giúp mẹ bầu kiểm tra xem thai nhi có gặp phải dị tật về hình thái hay không. Đó có thể là những dị tật như thiếu tay, hở hàm ếch hoặc sứt môi, thừa hoặc thiếu ngón chân – ngón tay, tay hoặc chân ngắn… Đặc biệt, những tình trạng bất thường trong cơ thể như bệnh lý về não, bệnh lý tim bẩm sinh, bất thường ở hệ xương… cũng được phát hiện.
Mốc khám thai định kỳ ở tuần 32
Một số dị tật không thể phát hiện được ở thời điểm 22 tuần tuổi, lúc này khi đến tuần thứ 32 đã có thể phát hiện rõ ràng. Đó là những bất thường tại tim hoặc động mạch… Bên cạnh đó, nhau thai, ngôi thai cũng được bác sĩ kiểm tra kỹ, và đánh giá khung xương chậu của thai phụ để chuẩn bị cho lần chuyển dạ sắp tới.
Không đi khám thai lần đầu nguy hiểm như thế nào?
Sau 2 tuần – 3 tuần chậm kinh, các mẹ xác định có thai bằng cách kiểm tra que thử thai lên 2 vạch mà không đi khám ngay. Nếu thai nhi về buồng và mọi thứ ổn định thì sẽ không xảy ra vấn đề gì cả. Tuy nhiên, nếu thai nhi chưa về buồng, thai nằm ngoài tử cung thì nguy cơ chửa ngoài tử cung có thể vỡ, gây mất máu, gây choáng. Từ đó có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ. Chính vì vậy, mốc khám thai khi các mẹ chậm kinh khoảng 2 tuần – 3 tuần thì nên đi khám ngay. Và chú ý là tuyệt đối không nên bỏ qua mốc khám thai này.
Những lưu ý khi đi khám thai định kỳ
Bên cạnh việc nắm rõ lịch khám định kỳ cho bà bầu, người mẹ cũng nên nắm rõ những lưu ý cần thiết mỗi lần khám thai. Sau đây là những kinh nghiệm mà các chuyên gia y tế tư vấn cho bạn:
- Nhớ chính xác lịch khám thai chuẩn nhất để đi đúng ngày hẹn với chuyên gia.
- Chọn trang phục thoải mái: tốt nhất bạn nên mặc những chiếc váy bầu không rườm rà, có kích cỡ rộng rãi. Việc lựa chọn quần áo cũng nên phụ thuộc vào việc siêu âm bằng hình thức nào. Một chiếc váy co giãn sẽ thích hợp nếu bạn siêu âm đầu dò, trong khi đó đó y phục rộng rãi và có cạp thấp sẽ thích hợp với việc siêu âm bụng. Nên mang giày bệt không có dây buộc để dễ dàng tháo ra, giúp quá trình thăm khám, di chuyển được thuận lợi.
- Lưu ý chuyện ăn uống: Mẹ bầu không nên sử dụng thuốc lá, nước ngọt, rượu bia, cà phê và chất kích thích trước khi siêu âm âm để tránh gây ảnh hưởng tới em bé. Lưu ý thời gian nhịn đói trước khi kiểm tra đường huyết để tuân thủ cho đúng. Nhưng nếu siêu âm 4D hoặc kiểm tra tim thai, thì người mẹ cần phải ăn no.
- Chuẩn bị sẵn hồ sơ cũng như kết quả xét nghiệm cũ để mang theo khi khám.
- Lưu ý những nhắc nhở ở của chuyên gia y tế trước ngày khám để tuân thủ theo đúng.
Bài viết trên đã giúp bạn nắm được lịch khám thai định kỳ chuẩn của Bộ Y tế, và tham khảo thêm lịch khám thai ở những cơ sở khác ngoài công lập. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn trong việc nhớ lịch hẹn với bác sĩ dễ dàng hơn!
Nguồn: suckhoephukhoa.com.
Tôi là Tạ Thị Hồng Duyên, bác sĩ chuyên khoa I Sản phụ khoa tại Phòng khám đa khoa Quốc tế Hà Nội. Với 30 năm kinh nghiệm Khám, tư vấn và điều trị các bệnh phụ khoa, thực hiện các thủ thuật sản khoa từ đơn giản đến phức tạp, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, phụ nữ mang thai, đình chỉ thai, kế hoạch hóa gia đình,…, chẩn đoán điều trị vô sinh nữ, khám, điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.